Chưa phân loại

Bệnh circo virus trên heo và phương pháp phòng trị

Ngoài bệnh như tai xanh, lở mồm long móng, cúm… gây thiệt hại lớn, ngành chăn nuôi heo còn phải đối mặt với nhiều bệnh nguy hiểm như bệnh Circo virus.

Bệnh circo virus được phát hiện lần đầu tiên tại Đức năm 1974. Năm 1990, bệnh lan rộng tới châu Âu, Mỹ. Tại Thái Lan, bệnh được phát hiện năm 1993, dựa vào phương pháp PCR khảo sát sơ bộ tỷ lệ nhiễm circo virus khoảng 10%.

Năm 1998, một số nhà khoa học Canada đã xác định được dịch tễ học và triệu chứng lâm sàng của heo khi nhiễm các loại virus này – nguyên nhân gây chết heo với một số biểu hiện còi cọc, vàng da và khó thở.

Năm 2000, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã chứng minh sự suy giảm tế bào bạch huyết với cơ chế apoptosis của tế bào lympho B là do PCV2. Họ cho rằng một số cơ quan dung giải tế bào là do cơ chế này. Như vậy PCV2 kích thích sự phát triển của hội chứng gầy mòn trên heo bằng cơ chế gây suy giảm hệ thống miễn dịch.

Năm 2002, Hy Lạp đã có nghiên cứu đầu tiên về chẩn đoán heo mắc bệnh do circo virus trên một số heo nái rừng châu Âu. Họ đã phát hiện PCV2 trong tử cung một con heo rừng hoang dã. Năm 2005, một con heo rừng 6 – 8 tuổi có triệu chứng gầy còm, khó thở và chết. Khi lấy các mấu mô xét nghiệm đã phát hiện virus PCV2.

Năm 2006, vaccine phòng bệnh được thử nghiệm thành công lần đầu tiên tại Mỹ.

Tác nhân gây bệnh

Bệnh do Procine circovirus (PCV), thuộc họ Circoviridae gây nên. Đây là một trong những virus nhỏ nhất xâm nhập vào các loài động vật có vú. PCV có đường kính 17 mm, không có vỏ bao bọc. Virus này gồm có 2 loại là PCV1 và PCV2. PCV1 đã xuất hiện rất lâu trên heo và thường nhiễm vào tế bào nuôi cấy thận heo nhưng lại không gây bệnh. Khác PCV1, PCV2 mới xuất hiện gần đây và thường nhiễm ghép với nhiều bệnh khác trên heo và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi heo trên thế giới. Những tiểu phần PCV2 rất bền vững và có thể tồn tại khá lâu trong môi trường của đàn heo bị nhiễm bệnh, và virus này rất khó tiêu diệt. Chúng tại ở hầu hết các trang trại chăn nuôi heo và được tìm thấy trên tất cả các lứa tuổi.

Cơ chế gây bệnh

PCV2 có thể xâm nhập vào cơ thể heo ngay những ngày đầu sau khi sinh. Sau khi vào cơ thể, virus xâm nhập vào tế bào lympho, làm giảm số lượng tế bào lymphocyte, giảm sức đề kháng và khả năng đáp ứng miễn dịch, tăng độ mẫn cảm với các loại vi khuẩn, virus khác.

Tùy vào số lượng của độc lực PCV2, và sức đề kháng của từng cá thể heo cơ mà có thể có hoặc không có những biểu hiện lâm sàng của bệnh hay có bị ghép với các bệnh khác hay không.

Các thể nhiễm bệnh: Khi bị nhiễm virus PCV2, heo thường biểu hiện các thể như: hội chứng còi cọc và viêm da, viêm thận.

Thể còi cọc: Hơn 95% heo bị nhiễm virus có biểu hiện bệnh ở thể này. Khi đó, heo có triệu chứng còi cọc, chậm lớn, xù lông. Ngoài ra, heo có các biểu hiện khác như hô hấp khó khăn do phổi bị tổn thương, hệ thống hạch sưng to, vàng da, sốt, tiêu chảy, chết đột ngột. Ngoài ra, khi mổ khám, nhiều cơ quan nội tạng của heo bị tổn thương như ruột sưng, dạ dày loét, sưng gan, viêm phổi và nhục hóa…

Thể viêm da, viêm thận: Biểu hiện của thể này là heo xuất hiện nhiều vết loét với kích thước khác nhau trên vùng da toàn thân, sau một thời gian, vét loét khô lại và hình thành vảy.

Tổn thương trên thận: Thận sưng dẫn đến hai đầu quả thận không cân đối, viêm, nhạt màu, có xuất huyết trên bề mặt. Trong một số trường hợp, bề mặt thận xuất hiện nhiều điểm trắng.

Tác hại 

Bệnh có tỷ lệ nhiễm rất cao, gần như 100% vì hầu hết heo đều có mang mầm bệnh trên cơ thể. Tuy nhiên, không phải những con heo nào mang mầm bệnh trong cơ thể đều biểu hiện triệu chứng bệnh tích. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tình trạng sức khỏe, giống, môi trường, dinh dưỡng…. mà số heo mắc bệnh chiếm 3 – 50%. Bệnh có tỷ lệ chết không cao. Nhưng bệnh có khả năng tấn công thẳng đến hệ thống miễn dịch làm suy yếu hệ thống đó đồng thời mở đường cho các mầm bệnh khác xâm nhập và tấn công vào cơ thể, tạo cơ hội cho các bệnh kế phát phát triển.

Đa phần các bệnh do PCV2 sẽ không chết ngay mà chúng chỉ bị còi cọc, chậm lớn, nhưng vẫn tiêu tốn một số lượng lớn thức ăn, làm giảm hiệu quả chăn nuôi.

Kiểm soát mầm bệnh

Bệnh không có thuốc đặc trị, biện pháp kiểm soát bệnh quan trọng nhất vẫn là phòng bệnh cẩn thận. Chăm sóc heo tốt ngay từ khi mới sinh, chú ý cho heo con bú sữa đầu càng sớm càng tốt. Đảm bảo tốt chế độ dinh dưỡng, chăm sóc, tập ăn cho heo con đúng thời điểm. Trong quá trình nuôi nên loại những con gầy yếu, còi cọc ra khỏi đàn càng sớm càng tốt.

Thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho heo theo đúng khuyến cáo của cơ quan thú y. Để phòng bệnh Circo virus, có thể lựa chọn một trong số các loại được bán trên thị trường như vaccine virus PCV2 vô hoạt, vaccine protein capsid của virus PCV2, vaccine virus tái tổ hợp PCV1 và PCV2 vô hoạt. Ngoài ra, có những loại vaccine còn đang được thử nghiệm.

Ở châu Âu, Bắc Mỹ người ta thường khuyến cáo nên tiêm vaccine mũi đầu tiên sau 3 tuần tuổi. Ở nước ta, đa phần các trang trại thường dùng loại vaccine protein capsid của virus PCV2 và đẩy thời gian tiêm lên sớm hơn so khuyến cáo. Sau đây là một số liệu trình tiêm vaccine phổ biến ở Việt Nam mà người chăn nuôi có thể tham khảo.

Liệu trình 1: tiêm 1 ml vaccine cho heo con lúc 14 – 21 ngày tuổi một lần duy nhất.

Liệu trình 2: heo được tiêm 2 lần, mỗi lần 2 ml, thời điểm tiêm lần đầu vào 14 – 21 ngày tuổi và lần 2 cách lần đầu 3 tuần.

Mỹ Đức

Nguồn: Nguoichannuoi.vn


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *