Chưa phân loại

Các biện pháp nâng cao năng suất sinh sản ở lợn nái

Năng suất sinh sản ở lợn nái chính là tăng số lượng con cai sữa/nái/năm. Để tăng số lượng lợn con cai sữa/nái/năm phải tác động vào nhiều mặt liên quan đến quá trình sinh sản của lợn. Mời các bạn đọc cùng tham khảo các biện pháp nâng cao năng suất sinh sản ở lợn nái trong bài viết này.

Số trứng rụng trong chu kỳ động dục đó phải nhiều

Bên cạnh mặt di truyền sẵn có phải chú ý: Không để nái gầy yếu trong thời gian nuôi con, dinh dưỡng đầy đủ cả lượng và chất; đảm bảo nhiệt độ, ánh sáng thích hợp (tốt nhất từ 18 – 22oC).

Số trứng được thụ tinh phải nhiều

Số trứng rụng nhiều nhưng không được thụ tinh, số lợn con sinh ra cũng không tăng. Bí quyết cho vấn đề này là chọn thời điểm dẫn tinh thích hợp. Thời điểm này phụ thuộc vào từng nái và kinh nghiệm của dẫn tinh viên cũng như số lượng, chất lượng tinh dịch lúc phối giống.

Số lượng trứng thụ tinh nhiều nhưng không hình thành, phát triển ở tử cung, số lợn con sinh ra cũng không tăng.

Để thúc đẩy sự hình thành và phát triển của hợp tử (trứng thụ tinh), trong vòng 3 ngày sau khi phối bất luận loại nái nào cũng không được cho ăn quá nhiều. Trong giai đoạn phôi chưa phát triển và bám chắc vào tử cung không để nái bị Stress về nhiệt, về hóa chất, về thay đổi đột ngột thức ăn. Vì bị Stress phôi dễ bị tiêu hủy, bị sẩy.

Thời gian nuôi con nếu dưới 21 ngày:

Sự hồi phục của buồng trứng, hệ thống sinh dục của lợn mẹ chưa tốt, ảnh hưởng lớn không những đến thời gian động dục và biểu hiện động dục của lợn mẹ, đến số con sinh ra ở lứa tiếp theo mà còn tác động đến sự phát triển của lợn con.

Nhiều tài liệu đã minh chứng: thời gian cai sữa ở lợn tốt nhất từ 25 – 28 ngày tuổi. Ngược lại nếu cai sữa muộn, mặc dù khối lượng lợn con cao hơn, lợn có sức phát triển tốt hơn nhưng làm hao mòn quá mức ở lợn mẹ. Sự hao mòn này đưa đến nái chậm động dục lại, biểu hiện động dục không rõ ràng, giảm số lứa đẻ/năm đồng thời khả năng miễn dịch của lợn mẹ giảm đi.

Thời gian đẻ kéo dài ảnh hưởng lớn tới số con sinh ra còn sống để nuôi

Trung bình thời gian đẻ của lợn mẹ cho một lợn con khoảng  8 – 12 phút. Nếu thời gian đẻ của lợn mẹ dài, người kỹ thuật phải can thiệp. Có thể sử dụng hormone hoặc trực tiếp đưa tay qua âm hộ vào tử cung để can thiệp.

Hạn chế tỷ lệ lợn con sơ sinh chết ở mức tối thiểu có thể

Số lợn con sinh ra bị chết được tính bằng tổng số con sinh ra trừ đi số con để lại nuôi. Nguyên nhân của chết khi sinh đẻ có thể do đẻ non, thai bị khô, dị tật, dị hình, khối lượng sơ sinh quá bé….

Thông thường tỷ lệ này trong khoảng 1 – 1,5 con sơ sinh/ổ (lứa). Tất nhiên, tỷ lệ này phụ thuộc nhiều yếu tố đặc biệt về chăm sóc, quản lý lợn mẹ trước, trong thời gian đẻ. Để hạn chế tỷ lệ chết này phải chú ý những mặt sau:

– Tất cả nái trước khi phối giống phải được tiêm phòng đầy đủ các loại vác xin, đặc biệt chú ý hai mũi tiêm vắcxin Parvovirus. Nái hậu bị phải lựa chọn đúng tiêu chuẩn. Nái hậu bị động dục vào 180 – 190 ngày tuổi, nhưng phải chờ 1 – 2 chu kỳ sau đó, tức vào khoảng 220 – 230 ngày tuổi mới cho phối giống. Khi phối giống phải đúng thời điểm.

– Bố trí chuồng nuôi lợn đẻ có đủ điều kiện, tránh tác động gây stress từ bên ngoài như: chuồng chặt, không thông thoáng, nhiệt độ, ẩm độ không đảm bảo như rét quá hoặc nóng quá, đồng thời chuẩn bị thêm cơ số thuốc và các dụng cụ cần thiết phải can thiệp khi lợn nái đẻ.

– Theo dõi và cử người kỹ thuật trực khi nái đẻ. Xử lý ngay những trường hợp nái đẻ khó, thời gian đẻ kéo dài, lợn con sinh ra bị yếu, bị mẹ đè….

– Chú ý đến chế độ ăn, uống của lợn mẹ trong thời kỳ mang thai và trước lúc đẻ.

– Lưu ý rằng những bệnh: giả dại, PRRS (tai xanh), viêm não Nhật Bản…cũng ảnh hưởng tới số lượng lợn con đẻ ra.

Chăm sóc lợn con một ngày tuổi

– Quan sát, theo dõi lợn mẹ trong quá trình đẻ.  Khi lợn mẹ đẻ chậm có thể dùng tay móc lợn con ra, lợn con sinh ra được lau khô bởi rơm mềm hoặc khăn khô mềm, cân, đánh số, ghi chép… nếu cần thiết, tiếp đó cho lợn con bú đầu sữa đầu của mẹ; phân loại lợn con sinh ra, nếu cá thể nào yếu có thể chăm sóc riêng biệt được ưu tiên bú mẹ nhiều hơn.

– Chuẩn bị tốt nơi cho lợn mẹ đẻ: Cử nhân viên có kinh nghiệm theo dõi và quản lý lợn đẻ, người này phải chuẩn bị sẵn sàng phòng, đèn úm, thảm nhiệt cho lợn đẻ, khu vực úm heo con, lót rơm mềm chuồng đẻ, các thiết bị thông gió được điều chỉnh phù hợp với lợn con, cần 0,56 m3/nái/phút. Ngoài ra phải tuân thủ: luôn luôn giữ yên tĩnh; tắt đèn trên đầu nái; khi nái đang đẻ không được đi phía trước đầu nái; khi nái đang đẻ không để lợn con kêu la; phải ghi chép ngay từ đầu tránh nhầm lẫn số hiệu lợn mẹ, số lợn con sinh ra, đực, cái, ngày tháng năm sinh của lợn nái đó. Lưu ý đặc biệt, lợn con sinh ra phải được bú sữa đầu của mẹ trong vòng 6 giờ, tất nhiên càng sớm càng tốt.

Chăm sóc lợn con bú sữa, theo mẹ

Người kỹ thuật phải hiểu đặc điểm sinh lý của lợn con, đặc điểm sinh lý của lợn mẹ thời kỳ cho bú, nuôi con mới giúp cho lợn con không bị còi cọc, chậm lớn. Những điểm lưu ý ở giai đoạn này như sau:

– Chú ý thức ăn của lợn mẹ phải đủ chất và lượng, mẹ ăn tốt, sữa mẹ đầy đủ, lợn con sẽ nhanh lớn;

– Nhiệt độ và ẩm độ của chuồng nuôi phù hợp sinh lý lợn con. Khi điều kiện bên ngoài không thuận lợi, lợn con rất dễ bị bệnh, giảm tốc độ sinh trưởng.

– Trong giai đoạn này, các hoạt động của pepsinogen không đầy đủ khiến lợn con không thể tiêu hóa tốt chất đạm thực vật. Ngược lại, lactase là men tiêu hóa có độ hoạt động cao, giúp phân giải đường lactose trong sữa tạo năng lượng. Men lipase phân giải chất béo và tripsin phân giải chất đạm, mỡ trong sữa hoạt động mức độ cao, nhưng hoạt động của men amylase phân giải tinh bột lại ở mức thấp, men này sẽ tăng nhanh khi lợn con được 2 – 3 tuần tuổi.

– Mặc dù được bú sữa mẹ nhưng đặc điểm sinh lý của cơ thể như sinh lý tiêu hóa, sinh lý nội tiết…chưa hoàn thiện nên lợn con dễ nhạy cảm với sự thay đổi của các yếu tố bên ngoài như mưa, nắng, nóng lạnh, ẩm, khô; thức ăn, nước uống, chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý. Hệ thống men (enzyme) tiêu hóa chưa đầy đủ, chưa ổn định; độ PH của đường ruột cao… Vì thế, tiêu hóa thức ăn của lợn không tốt mặt khác khi gặp điều kiện thuận lợi, vi khuẩn đường ruột như E.coli, Clostridium perfringens phát triển mạnh, sinh độc tố gây tiêu chảy cho lợn con.

Giảm tỷ lệ chết của lợn con sau cai sữa

– Giảm stress cho lợn con. Nguyên nhân lợn con bị Stress do: chuyển từ sữa mẹ sang chế phẩm bổ sung thay thế sữa mẹ; do chuyển đàn, sắp xếp, bố trí lại đàn; thay đổi lại chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, nhiệt độ, ẩm độ, môi trường…Trong môi trường mới lợn con luôn luôn tiết ra các loại thể dịch hoặc hóc môn để phản ứng, chống đỡ và phòng vệ, điều này làm lợn con giảm khả năng miễn dịch và phát triển, giảm tăng trọng.

– Trước khi cai sữa huấn luyện cho ăn cám hoặc các chế phẩm bổ sung thay thế sữa mẹ. Tất nhiên, loại thức ăn này phải cho ăn từ từ, có quy trình, nguyên tắc; khi vận chuyển tạo môi trường yên tĩnh và an toàn; khi ghép đàn tránh quá đông, tốt nhất chỉ ghép đàn từ hai nái; lợn con theo mẹ sống trong môi trường có nhiệt độ ổn định 260C, khi cai sữa cần duy trì môi trường khô, ổn định ở 28 – 300C, không gió lùa; thức ăn cho lợn con dễ tiêu hóa, chia làm nhiều lần, luôn cung cấp đầy đủ nước sạch và vệ sinh sạch sẽ khu vực chăn nuôi.

– Đề phòng tiêu chảy ở lợn con sau cai sữa. Nguyên nhân tiêu chảy của lợn con giai đoạn này là tổng hợp của rất nhiều yếu tố: khả năng miễn dịch giảm do lượng kháng thể IgA trong sữa mẹ không còn; sống ở môi trường mới, nguồn bệnh như vi khuẩn, virus và các chất có hại khác bằng nhiều con đường xâm nhập vào cơ thể; nguồn dinh dưỡng cung cấp thay đổi có khi không đảm bảo, không phù hợp; thời tiết khí hậu không đáp ứng…tất cả yếu tố trên tác động đồng thời hoặc riêng rẽ làm lợn con tiêu chảy, chậm lớn, còi cọc thậm chí bị chết.

– Chuẩn bị chuồng trại, vệ sinh, thức ăn, nước uống phù hợp với sinh lý của lợn giai đoạn này.

Tất cả những yếu tố nêu trên nếu được chú ý ngay từ đầu, tỷ lệ thất thoát của lợn con giai đoạn cai sữa sẽ giảm xuống.


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *