Chưa phân loại

Các giống thỏ thường gặp

Giống Newzealand, Chinchilla, Californian, English Spo,…..

1. Thỏ Newzealand trắng:

 Giống thỏ này được nuôi ở nhiều nước và phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới kể cả ở Việt Nam do khả năng thích nghi với các điều kiện sống cao. Giống thỏ này có toàn thân màu trắng, lông dày, mắt đỏ như hòn ngọc, có tầm vóc trung bình, thỏ trưởng thành nặng 4,5 – 5 kg. Mỗi năm thỏ đẻ trung bình 5 – 6 lứa, mỗi lứa đẻ trung bình 6 – 7 con. Một thỏ cái trung bình cho 20 – 30 con/năm. Thỏ cai sữa thường được nuôi vỗ béo đến 90 ngày tuổi thì giết thịt. Như vậy một thỏ mẹ trong một năm có thể sản xuất từ 30 – 45 kg trọng lượng sống nếu nuôi tốt có thể đạt 60 – 90 kg và thêm từ 20 – 30 tấm lông da.

2. Thỏ Californian:

 Giống thỏ này được tạo ra và phát triển từ Mỹ (khoảng năm 1920) từ 2 giống Newzealand White và Himalyan và sau đó có sự tham gia của giống Chinchilla với mục đích tạo ra giống thỏ có thịt và len có chất lượng cao. Chúng được nhập vào từ Anh lần đầu tiên vào năm 1958. Tuy nhiên đến năm 1960 mới công bố chính thức với số lượng 400 con. Đây là giống thỏ tạo ra được lợi tức cao cho người nuôi thỏ thương phẩm. Đặc điểm của giống thỏ này là có bộ lông màu trắng tuyết, trừ hai tai thỏ có màu đen, mũi, đuôi và 4 chân có màu tro hoặc màu đen. Thỏ trưởng thành có trọng lượng 4 – 4,5kg, con đực nặng khoảng 3,6-4,5 kg, con cái nặng 3,8 – 4,7 kg. Mỗi năm thỏ đẻ khoảng 5 lứa, mỗi lứa khoảng 5 – 6 con. Thỏ này đã nhập vào nước ta ở Sơn Tây (1977) và đã thích nghi với điều kiện khí hậu và nuôi dưỡng chăm sóc. Thỏ Californian có tầm vóc trung bình, tỉ lệ thịt xẻ cao từ 55 – 58% chúng được nuôi phổ biến trên thế giới và đã trở thành giống thỏ nuôi thịt đứng thứ 2 trên thế giới (Sandford, 1996). Tuy nhiên qua thử nghiệm 3 năm nuôi ở ĐBSCL với các loại thức ăn thông thường, giống thỏ thuần Californian tương đối khó nuôi, đẻ kém và tỉ lệ thỏ con hao hụt cao so với thỏ thuần Newzealand.

3. Thỏ Chinchilla:

Thỏ Chinchilla lần đầu tiên được trình diễn tại Pháp năm 1913 bởi J.J. Dybowski được tạo ra từ thỏ rừng và 2 giống Blue Beverens và Himalyans được xem như là giống thỏ cho len. Giống thỏ này có 2 dòng: một có trọng lượng 4,5 – 5kg (Chinchilla giganta) và dòng kia khoảng 2 – 2,5 kg lúc trưởng thành. Giống thỏ này đẻ trung bình mỗi lứa từ 6 – 8 con có khả năng thích nghi với các điều kiện chăn nuôi khác nhau. Thỏ có lông màu xanh, lông đuôi trắng pha lẫn xanh đen, bụng màu trắng xám đen.

4. Thỏ English Spot:

Giống thỏ English Spot được chọn lọc và phát triển ở Anh Quốc. Chúng có tầm vóc trung bình, trọng lượng trưởng thành 2,5 – 3,5 kg ở cái và đực. Nó có đặc điểm là thân có màu lông trắng với các đốm màu sậm ở trên cơ thể, tai thẳng đứng, mông rộng tròn và hơi lớn hơn phần vai, chân dài và mảnh khảnh. Giống này được nhận biết với các đốm sậm màu ở 2 vòng mắt, má và tai, sống lưng và đuôi. Các đốm này có màu sắc phổ biến là đen, xanh dương, sô cô la, nâu vàng… Giống thỏ này hiện nay cũng tham gia khá phổ biến vào máu của con thỏ lai ở Việt Nam.

5. Nhóm thỏ Việt Nam:

 Nhóm thỏ ở Việt Nam được du nhập từ Pháp vào khoảng từ 70 – 80 năm trước. Chúng đã được lai tạo giữa nhiều giống khác nhau, nên đã có nhiều ngoại hình và tầm vóc khác nhau, phần lớn có lông ngắn, màu đen, trắng mốc, khoang trắng đen, trắng vàng, trắng xám có thể trọng khoảng 2 kg. Người ta gọi tên theo màu sắc lông như:

+ Thỏ gié thì nhỏ con, nhẹ cân, có trọng lượng 2,2 – 3kg. Nhìn chung nhóm thỏ này có màu lông khoang, lang hay đốm, trắng, vàng đen, xám,…Riêng màu lông ở phần dưới bụng, ngực, đuôi có màu xám nhạt hơn hoặc màu xám trắng. Màu mắt đen, đầu nhỏ, lưng khum trọng lượng trưởng thành 2,5 – 3kg;

+ Thỏ đen có lông ngắn, có màu đen tuyền, màu mắt đen, đầu to vừa, miệng nhỏ bụng thon, bốn chân dài thô, xương thô. Trọng lượng trưởng thành 2,6 – 3,2kg. Một vài nơi có các giống thỏ lông xù màu trắng do có màu của giống Angora.

Đặc điểm sinh sản của hai giống thỏ màu xám và màu đen của Việt Nam có khác so với thỏ mới nhập nội và thỏ lai thương phẩm khác. Chúng vẫn còn bảo tồn tính năng sản xuất của thỏ rừng xa xưa như động dục sớm 4,5 – 5 tháng tuổi, mắn đẻ sau khi đẻ 1 – 3 ngày đã chịu đực phối giống lại, thỏ vừa tiết sữa vừa nuôi con và có chửa nên nếu gia đình có điều kiện tốt thì thỏ sẽ đẻ liên tục, mỗi năm từ 7 – 8 lứa và dao động từ 4 – 11 con/ lứa. Một trong những tập tính của thỏ là thỏ nhổ lông làm ổ đẻ, đối với tập tính này thỏ đen và thỏ xám Việt Nam thể hiện rõ hơn so với thỏ nhập nội. Các thỏ trước khi đẻ thường tự lấy rác, rơm cỏ vào ổ và tự nhổ nhiều lông bụng, lông ngực để trộn thành tổ ấm mềm, để đẻ con trong đó, ít có trường hợp đẻ con ngoài ổ. Sức đề kháng của thỏ Việt Nam và thỏ lai tốt hơn thỏ nhập nội.  Nhóm thỏ lai ở vùng ĐBSCL được lai tạo từ các giống thỏ ngoại nhập vào Việt Nam những năm 90 với thỏ lai địa phương, chúng có tầm vóc khá, màu sắc đa dạng pha trộn giữa các giống như Newzealand, Chinchilla, Californian, English Spot…Trong điều kiện nuôi dưỡng còn hạn chế về dinh dưỡng hiện nay với thức ăn thô xanh và bổ sung các loại phụ phẩm thỏ cái trưởng thành (đẻ lứa 3) đạt 3,2 – 3,8kg. Thỏ thịt nuôi từ 4 – 4,5 tháng đạt 2,2 – 2,4kg. Đây là nhóm thỏ được nuôi chủ yếu ở ĐBSCL cho thịt rất hiệu quả vì tận dụng được nguồn thức ăn rau cỏ địa phương.

Nguồn: vemedim.com


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *