Kỹ thuật chăn nuôi gà

Chăm sóc gia cầm sau mưa lũ

Sau mưa lũ, nguồn thức ăn cho gia cầm khan hiếm. Đồng thời, môi trường cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng, do đó, đây được xem là thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh trên gia cầm.

Kiểm tra, tu sửa chuồng trại

Những chuồng nuôi bị tốc mái hoặc ngập úng cần nhanh chóng di dời đàn vật nuôi sang khu chuồng nuôi khác cao ráo hơn, dùng bạt che chắn không để cho chúng bị ướt, lạnh. Sau đó sửa chữa lại chuồng trại.

Vệ sinh

Tổng vệ sinh chuồng trại và khu vực xung quanh. Nước rút đến đâu cần quét dọn, vệ sinh chuồng trại, bãi chăn, thu gom toàn bộ bùn, đất, phân, chất thải, rác thải tại khu vực chuồng nuôi gia cầm và khu vực tiếp giáp xung quanh, rắc vôi, đóng vào bao kín để gọn một nơi, đào hố ủ làm phân, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nạo vét, dọn bùn đất, khơi thông cống rãnh bên trong chuồng nuôi và khu vực xung quanh. Đặt túi vôi bột tại các rãnh thoát nước. Cọ rửa sạch sẽ bề mặt nền chuồng, tường chuồng, dụng cụ chăn nuôi trước khi phun thuốc sát trùng. Định kỳ 2 lần/ngày phun sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi gia súc, gia cầm.

Quét vôi lại chuồng nuôi. Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc Hantox-200 để phun diệt ruồi, muỗi tại khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh để tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh.

Chăm sóc

Những vật nuôi bị ướt, con non cần được di dời đến khu chuồng cao ráo và sưởi ấm ngay. Có thể dùng bóng điện, bếp trấu, bếp củi…

Cho gia cầm ăn thức ăn dễ tiêu, uống đủ nước sạch. Đồng thời, bổ sung vitamin tổng hợp để tăng sức đề kháng.

Cho gia cầm uống thuốc phòng bệnh đường hô hấp và tiêu hóa.

Thường xuyên kiểm tra đàn gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi như uể oải, ủ rũ, kém ăn… nhằm cách ly kịp thời và có biện pháp điều trị thích hợp. Khi nghi ngờ gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm phải báo ngay cho thú y viên, trưởng thôn và chính quyền địa phương hoặc trạm thú y cấp huyện để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh.

Tiêu hủy xác chết động vật

Khi có vật nuôi ốm, chết phải thực hiện tiêu hủy bằng biện pháp chôn hoặc đốt xác, trong đó biện pháp đốt xác vật nuôi chết là hiệu quả nhất.

Khi có vật nuôi chết trong mùa mưa lũ không tiêu hủy ngay được phải phun thuốc diệt côn trùng, thuốc sát trùng hoặc tưới dầu hỏa lên xác vật chết để chống các loài ăn thịt và côn trùng xâm nhập, đợi khi nước rút thì đem chôn lấp; Phải đào hố, chôn sâu và rắc vôi bột. Tuyệt đối không giết mổ, vận chuyển, bán chạy, vứt xác chết bừa bãi ra môi trường xung quanh.

Khi hố chôn lún, sụp, rỉ nước bẩn, bốc mùi hôi thối, ô nhiễm nước ngầm cần đắp thêm đất trên mặt hố và nén chặt. Đất đắp cao và rộng ra xung quanh miệng hố chôn khoảng 0,3 – 0,5 m.

Nếu nước chảy ra xung quanh cần phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột; Có thể sử dụng một trong các chế phẩm để xử lý như: EMC, Umikai, Enchoice solution và vôi bột để xử lý mùi hôi hố chôn.

Đối với hố chôn ở gần khu vực dân cư, có thể sử dụng các loại thuốc Umikai, Enchoice solution pha theo hướng dẫn phun trên mặt hố chôn và vùng có nước bẩn chảy ra. Kết hợp việc dùng hóa chất khử mùi nên đắp thêm đất trên toàn bộ bề mặt hố chôn để tăng hiệu quả xử lý.

Nguồn: Tạp chí Gia cầm


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *