Chưa phân loại

Kinh nghiệm nuôi thỏ thịt thả vườn

Nuôi thỏ thịt thả vườn là mô hình ít vốn, không cần đầu tư nhiều, tốn ít công chăm sóc. Hơn nữa mô hình này cũng có thể kết hợp với những vật nuôi khác.

Chọn giống

Chọn thỏ có độ tuổi từ 60 ngày trở lên. Thỏ giống được lựa chọn phải biết rõ nguồn gốc, nên chọn mua tại các cơ sở uy tín, thỏ được tiêm phòng đầy đủ.

Về ngoại hình, cần chọn thỏ có lông mềm mượt, mắt tinh nhanh, thể lực tốt, linh hoạt, mũi khô, tai và chân sạch sẽ, bắp đùi, mông phải đầy đặn, săn chắc.

Thỏ thuộc dạng thỏ lấy thịt, nuôi thả 3 tháng là thu hoạch. Tiến hành thả giống vào những tháng trời tốt khô ráo và không thả vào những tháng trời xấu, có mưa nhiều.

Chăm sóc

Tiến hành tiêm phòng vaccine cho đàn thỏ giống trước khi thả ra vườn. Trước khi thả rông, thỏ phải được phòng bệnh. Cần có các khu vực nhỏ chăn thả tạm để chúng có thể làm quen với môi trường lạ. Thỏ là loại vật nuôi dễ bị mắc bệnh, vì vậy chỉ nên thả thỏ ra vườn vào mùa hè hanh khô, mát mẻ, thoáng đãng, tránh những ngày ẩm ướt. Bởi khi thỏ bị ướt thường dễ bị ghẻ và nhiễm các bệnh khác.

 Thỏ được thả vườn nên không cần thiết phải làm chuồng, chỉ cần tạo một nơi trú nho nhỏ bằng thân cây hoặc bất cứ gì có thể chui vào được. Có thể đặt rải rác trong đất các thùng cây, hoặc ống nước (dạng ống thoát nước to) dùng làm chỗ trú tạm cho thỏ mỗi khi cần thiết. Trong vườn cần một vài khúc gỗ nhỏ để thỏ mài răng.

Rào chắn bằng lưới B40 ở các vị trí cần thiết trong vườn để tránh cho thỏ cắn phá, đào hang. Thường xuyên kiểm soát các loài động vật có thể gây hại cho thỏ (mèo, chuột…), do đó chỗ nuôi thỏ cần có chó để trấn áp chúng. Chó cần phải được nuôi chung với thỏ khi còn nhỏ. Trong thời gian ngưng thả, cần quan tâm đến những con vật có thể gây hại trốn trong đất.

Trước khi thu gom thỏ lại, hang hốc cần phải được lùng sục lấp lại. Có thể sử dụng loại lưới giảm nắng sử dụng che nắng cho phong lan để vây bắt chúng, loại lưới 2 x 50 m, lưới này dùng bền, dễ cuốn lại để cất đi.

Mô hình này chỉ phù hợp cho thỏ nuôi lấy thịt, còn nếu muốn nuôi lâu hơn với mục đích khác, người nuôi nên tiêm phòng và cắt tinh hoàn thỏ đực để tránh giao phối. Sau khi thả vườn khoảng 3 tháng thỏ đã 5 tháng tuổi, đến tuổi sắp phát dục thì sẽ tiến hành vây bắt chúng. Thu gom chúng lại vào chỗ nuôi tạm đã có sẵn cơ sở hạ tầng chăm sóc. Thỏ đã có thể đem bán hoặc nếu muốn nuôi them thỏ cần phải được tiêm phòng và cắt tinh hoàn thỏ đực.

Nếu có đủ phương tiện, thỏ nuôi thả vườn được chia làm 2 (đực, cái phải được thả riêng). Cần phải có dụng cụ kiểm tra để dễ dàng phân biệt con đực, con cái (kính phóng đại).

Thức ăn

Ngoài thức ăn là nguồn rau có sẵn trong vườn, người nuôi nên bổ sung thêm các loại thức ăn khác nhau để thỏ sinh trưởng nhanh hơn. Thức ăn mà thỏ ưa thích là lá ngô, xu hào, bắp cải, lá cây đậu, lá chuối, lá đu đủ, cỏ voi…

Thức ăn cung cấp cho thỏ phải đảm bảo thu hái từ nguồn sạch sẽ, tránh thức ăn đã bị mốc, hỏng, không đảm bảo vệ sinh gây nên các chứng tiêu chảy hay đầy hơi, trướng bụng. Thức ăn thô xanh (cỏ, lá) sau khi cắt về không nên chất đống mà nên rải ra hoặc phơi ráo nước trước khi cho thỏ ăn.

Thỏ thịt cần cho ăn nhiều để chúng nhanh lớn. Ngoài cỏ, rau, củ mì, có thể cho ăn thêm thức ăn viên.

Phòng bệnh

Với phương châm phòng bệnh là chính, người nuôi cần thực hiện tốt nguyên tắc “3 sạch”: Ăn sạch – Ở sạch – Uống sạch đảm bảo môi trường chăn nuôi sạch sẽ. Ðặc biệt, khi thời tiết hoặc môi trường sống thay đổi cần phải vệ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng thật tốt, có thể bổ sung vitamin cho thỏ 3 – 5 ngày để tăng sức đề kháng và chống stress. Phòng bệnh tích cực bằng cách sử dụng vaccine để ngăn chặn sự xuất hiện và phát tán mầm bệnh. Thường xuyên theo dõi đàn thỏ để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Hoàng Ngân

Nguồn: Tạp Chí Gia Cầm


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *