Chưa phân loại

Kỹ thuật nuôi dế mèn

Mô hình nuôi dế mèn cần ít vốn, cần diện tích rộng, thời gian thu hoạch lại nhanh… đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nuôi ở nước ta.

Chuồng nuôi

Có thể tận dụng khu vực làm chuồng nuôi dế như nhà kho, sân thượng, sân trước nhà… nhưng phải có mái che, không bị nước mưa hắt trực tiếp vào. Dế có thể thích nghi rất tốt nên việc lựa chọn địa điểm không quá khó khăn. Chuồng nuôi có thể làm bằng xô, thau, khay, chậu… có nắp đậy nhưng phải đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát. Nắp đậy có thể là cái lồng bàn hoặc nắp xô đục nhiều lỗ tạo thông thoáng, ban ngày mở ra, chiều tối đậy lại để phòng tránh dế bay đi và mèo, chuột bắt dế… Trước khi nuôi phải rửa sạch, phơi khô chuồng nuôi và trang thiết bị phục vụ chăn nuôi dế. Bên cạnh đó, tùy theo phương tiện và điều kiện nuôi mà bố trí số lượng nuôi hợp lý.

Thùng xốp: Nuôi dế con 1 – 15 ngày tuổi, dùng băng dính dán một đường rộng ở xung quanh mép trên, mặt bên trong để chúng không leo ra ngoài. Giai đoạn này dế con còn nhỏ nên quy trình chăm sóc đơn giản, không cần phải dọn dẹp vệ sinh. Sau 15 ngày tuổi phải chuyển sang thùng khác.

Thùng carton: Thùng có kích thước khoảng 60 x 60 cm đã có thể nuôi khoảng 1 – 2 kg dế. Thùng carton hút ẩm tốt, khô thoáng, không mùi, có thể nuôi vài ba lứa mới phải thay thùng.

Thùng gỗ: Các thùng phải có nắp đậy để dế không bay nhảy ra ngoài, đồng thời không cho động vật gây hại tấn công. Có thể nuôi dế quy mô rộng lớn, có nhiều kích thước thùng khác nhau: Thùng gỗ kích thước 0,6 x 1,2 m có thể nuôi được khoảng 20.000 con dế con cỡ 1 – 10 ngày tuổi và nuôi được khoảng 5 kg dế thịt thương phẩm. Thùng gỗ kích thước 1,2 x 1,2 m có thể nuôi được khoảng 40.000 con dế con cỡ 1 – 10 ngày tuổi và nuôi được khoảng 10 kg dế thịt thương phẩm.

Thức ăn

Có thể tận dụng được nhiều loại thực vật như cỏ, lá rau các loại, lá khoai lang, lá mì, lá đu đủ, rau muống, dưa hấu, dưa leo… Tất cả các rau, cỏ cho dế ăn đều phải rửa sạch, không có thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh cho dế. Dế rất mẫn cảm với mùi lạ, nên nguồn thức ăn phải tươi ngon, sạch sẽ, không nhiễm độc, không ôi thiu, ẩm mốc. Dế có sức ăn khá tốt. Nếu cho ăn theo bữa thì cần phải đúng lúc, đúng bữa và đủ số bữa.

Thức ăn tinh: Cám cho dế ăn phải được nghiền mịn, nhuyễn. Nếu phối trộn nhiều nguyên liệu khác nhau, phải trộn thật đều để đảm bảo tính đồng đều, chất lượng và dinh dưỡng.

Thức ăn xanh: Rau cỏ đem búi thành từng bó nhỏ, mỗi bó khoảng 50 – 70 g để khi ăn, dế không làm cỏ bị vương ra lung tung trong thùng. Với mỗi thùng, một lần cho ăn 1 – 2 bó cỏ. Nếu chúng ăn hết rồi thì mới thêm vào để rau cỏ không bị héo, úa vàng.

Thức ăn củ quả: Đây chỉ là nguồn thức ăn bổ sung, cần cắt nhỏ củ quả, không để nguyên quả.

Muốn dế khỏe mạnh thì phải giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát; không nên để chuồng nuôi quá nóng, hoặc chuồng nuôi bị nước đổ vào lẫn phân dế gây ô nhiễm môi trường, hay thức ăn dế bị ôi mốc, nước uống lẫn phân dế dơ bẩn…

Chăm sóc

Giai đoạn mới nở đến 15 ngày tuổi: Từ 2 khay trứng thì dế nở được khoảng 2.000 con; Xếp 1 – 2 cái rế đặt xoong trong thùng để dế có chỗ đậu, leo trèo, trú ẩn. Trong chậu đặt 2 – 3 khay thức ăn loại nhỏ. Cho dế uống nước bằng cách phun nước vào búi cỏ hoặc lá rau để dế ăn hoặc dùng miếng vải tẩm nước cho dế hút nước.

Giai đoạn dế 15 – 45 ngày tuổi: Lúc này, có thể đặt khay nước vào cho dế uống vì dế đã lớn, không lo chết đuối. Thường thì nên đặt 1 khay nước và 2 khay thức ăn cho dế. Và nhớ cho thêm rế để dế đậu. Hàng ngày thay khay nước cho dế 1 lần và 2 ngày thì thay khay thức ăn. Nếu còn cám thì bỏ đi và thay cám mới. Tùy  theo tốc độ dế ăn mà bỏ thức ăn vào cho phù hợp. Định kỳ vệ sinh chuồng nuôi 5 – 7 ngày/lần

Vệ sinh phòng bệnh

Cần thực hiện theo phương châm 3 sạch: Ở sạch, ăn sạch, uống sạch, nhất là khi thay đổi môi trường sống hay thời tiết thì càng cần phải chú ý vệ sinh và chăm nuôi cho tốt để tăng cường sức đề kháng và chống căng thẳng cho dế. Dế ưa sạch sẽ, sống trong điều kiện khô ráo, thoáng mát, do đó cần đảm bảo chuồng và thùng nuôi sạch sẽ. Mỗi ngày sau khi cho ăn nên quan sát tình trạng ăn uống và điều chỉnh cho phù hợp, nhặt bỏ thức ăn thừa còn sót lại hoặc những lá rau cỏ đã bị úa vàng, úng, thối. Tuyệt đối không cho dế ăn cám bị ôi mốc và uống nước bẩn. Thường xuyên quét dọn nền chuồng sạch sẽ, không để thức ăn thừa hoặc nước uống vương vãi làm phát sinh mầm bệnh.

Đến giai đoạn trưởng thành, nên giãn cách mật độ nuôi trong thùng bằng cách xếp các lớp rế bên trong cho chúng leo trèo, nhảy nhót, tạo độ thông thoáng. Không xịt trực tiếp các loại thuốc xịt muỗi, thuốc xịt côn trùng vào khu vực nuôi dế. Không để kiến, gián xâm nhập và ăn tranh thức ăn của dế.

“Để dế phát triển tốt, ngoài tạo ra môi trường nuôi gần giống với tự nhiên, cần phải đa dạng các nguồn thức ăn mà chủ yếu là rau, cỏ. Sau khi tách đàn, số lượng dế trong chuồng sẽ được điều chỉnh phù hợp với quá trình tăng trọng của từng loại. Nhờ vậy, có thể tránh được nhiều dịch bệnh sau này và dế phát triển tốt hơn”

Phạm Hải

Nguồn: nguoichannuoi.vn


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *