Kiến thức Chăn nuôi

Nuôi chim cút cho năng suất cao

Nuôi chim cút không còn là mô hình xa lạ ở nước ta. Tuy nhiên để đạt hiệu quả, năng suất cao, người nuôi cần chú ý đến dinh dưỡng, chuồng nuôi, môi trường, con giống…

Môi trường nuôi

Nhiệt độ: Nhiệt độ của chuồng nuôi quá nóng hoặc quá lạnh sẽ khiến chúng bị rối loạn trao đổi chất, giảm tốc độ sinh trưởng và chất lượng thịt cũng như khả năng đẻ trứng và chất lượng trứng của chim. Ðối với chim cút non, mức nhiệt độ thích hợp là 24 – 350C, còn với chim cút đẻ, mức nhiệt 18 – 250C.

Thoáng khí: Môi trường bên trong chuồng nuôi chim cút cần phải thoáng mát, thông gió tốt để không khí sạch được lưu thông, hạn chế tích tụ các loại khí độc hại sinh ra từ chất thải của chim. Ngoài ra, chuồng nuôi phải cao ráo, tránh ẩm thấp dễ gây bệnh cho chim.

Vệ sinh sạch sẽ: Chuồng chim cút cần được thiết kế sao cho dễ dọn rửa chuồng, máng ăn, máng uống được thay và cọ rửa thường xuyên, các chất thải cần được thu gom xử lý để không gây ô nhiễm môi trường.

Không gian yên tĩnh: Với thính giác và thị giác nhạy bén, chim cút dễ bị kích động bởi tiếng ồn, do đó chuồng nuôi nên đặt ở nơi yên tĩnh, không bị xáo trộn, có ít người cũng như động vật qua lại.

Chống các động vật gây hại: Chim cút có kích thước khá nhỏ nên dễ bị các loài động vật gặm nhấm như chuột hoặc các động vật săn mồi như mèo tấn công và gây tổn thương. Vì thế, khi thiết kế chuồng, cần lưu ý đến vấn đề này.

Chọn giống

Mua con giống tại nơi uy tín, tiêm phòng đầy đủ. Chọn chim cút trống khi 25 – 30 ngày tuổi và nặng khoảng 70 – 90 g/con. Chọn những chim nhanh nhẹn, không dị tật, lông mượt da nhẵn, đầu nhỏ, mỏ ngắn, cổ dài, lông ngực vàng hoặc vàng nâu và ngực nở.

Chọn con mái > 100 g/con, cổ nhỏ, lông mượt, lông ngực đốm trắng đen, xương chậu rộng sẽ đẻ tốt, hậu môn nở, đỏ hồng.

Chuồng nuôi

Chim cút rất dễ nuôi nên có thể nuôi trong lồng hoặc vây lưới thép nuôi dưới nền đều được. Có rất nhiều cách làm chuồng nuôi chim cút với kích thước rất đa dạng.

Kích thước chuồng thường là 1 x 0,5 x 2 m làm bằng khung thép hoặc gỗ và lưới vuông 1 x 1 cm để chim dễ di chuyển và tiện vệ sinh. Mỗi chuồng có thể nuôi 20 – 25 chim cút mái. Nền chuồng nên làm có độ dốc khoảng 3 độ để trứng lăn ra mà không bị bể. Nóc chuồng làm bằng vật liệu mềm vì chim cút hay nhảy nên dễ bị tổn thương phần đầu. Khi nuôi số lượng lớn thì các chuồng có thể xếp lên nhau và để khoảng trống 10 cm để vỉ hứng phân chim và vệ sinh.

Máng ăn, máng uống: Làm bằng vật liệu dẻo, dài 0,5 m, rộng 5 cm, cao 5 cm. Ðối với chim non có thể nhỏ hơn.

Thức ăn

Mỗi chim cút trưởng thành ăn khoảng 20 g/ngày và uống 50 – 80 ml nước/ngày. Lưu ý là mỗi ngày chim mái sẽ đẻ 1 trứng nên thức ăn phải luôn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và nước luôn là nước sạch.

Thức ăn chủ yếu cho chim cút là cám viên. Người nuôi có thể bổ sung các loại hạt như đậu, kê, cao lương, lúa để vỗ béo. Ngoài ra, cần bổ sung các vitamin và khoáng chất bằng cách trộn vào thức ăn hoặc pha với nước uống để tăng sức đề kháng và duy trì khả năng sinh sản tốt.

Chăm sóc

Cút con (1 – 25 ngày): Chim cút nở ra phải được sưởi ấm ngay để duy trì thân nhiệt. Nhiệt độ sưởi trong tuần đầu là 340C và giảm dần mỗi tuần 30C đến tuần thứ 4 thì kết thúc. Môi trường nuôi luôn đảm bảo khô thoáng và ấm áp. Thức ăn trong giai đoạn này cần giàu đạm và vitamin.

Cút thịt (25 – 30 ngày): Khẩu phần giai đoạn này hướng đến mục tiêu vỗ béo nên sẽ giàu tinh bột và ít đạm, để chim ăn tự do cả ngày lẫn đêm đến 40 ngày có thể bắt đầu xuất bán.

Cút sinh sản: Khẩu phần của cút sinh sản cần đảm bảo đầy đủ tất cả các chất dinh dưỡng để chim đẻ đều. Mỗi ngày cút mái đẻ 1 trứng nên cần phải ăn bù lại khối lượng đó. Cút mái ăn khoảng 25 g/ngày.

Hải Phạm

Nguồn: tapchigiacam.vn


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *