Chưa phân loại

Nuôi hươu sinh sản

Nuôi hươu sinh sản đòi hỏi phải nắm bắt được được quy trình kỹ thuật chăm sóc đầy đủ cho hươu mang thai và cả hươu mới sinh.

Chọn giống

Ðây là bước quan trọng nhất quyết định sự thành công khi chăn nuôi hươu. Chọn hươu đực giống là những con khỏe mạnh, lông mượt, vầng trán to, thân hình vạm vỡ, 4 chân chắc chắn đều đặn. Nên chọn con lứa thứ 2 trở đi, khi hươu bố, mẹ có đặc điểm tốt sẽ có khả năng cho nhung 1 – 1,5 kg/năm trở lên.

Chọn hươu cái giống: Ðược sinh ra từ con mẹ đẻ ổn định hàng năm, nuôi con khỏe, không bị bệnh truyền nhiễm. Chọn hươu được sinh ra từ lứa thứ 2 trở đi. Hươu con khỏe mạnh, lông mượt, cổ dài, đầu thanh, mông nở, các bộ phận sinh dục nổi rõ.

Thức ăn

Nguồn thức ăn dành cho hươu sao rất dồi dào và đây cũng là động vật được thuần dưỡng từ lâu nên hươu có thể ăn được rất nhiều loại thức ăn. Thức ăn cho hươu sao phải bảo đảm đầy đủ chất bột, chất béo, chất đạm, khoáng, nước và sinh tố. Thức ăn của hươu sao gồm nhiều loại lá, cỏ, củ, quả… chủ yếu là các lá cỏ non. Hươu sao còn sử dụng cả những thức ăn đã được chế biến như: Cháo ngô, cám, gạo, thức ăn ủ xanh, ủ chua, phơi khô.

Ngoài những thức ăn như lá, cỏ, củ, quả tươi có thể cho hươu ăn trực tiếp, cần phải chế biến một số loại thức ăn nữa. Việc làm này có tác dụng dự trữ thức ăn, tránh lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên, vừa có tác dụng làm tăng khẩu vị, hươu ăn ngon miệng, ăn được nhiều, béo khỏe, cho những cặp nhung to, mập. Có thể dùng thân ngô, cỏ voi, dây lang, cây lạc… phơi khô dự trữ.

Thức ăn cho hươu đòi hỏi phải sạch sẽ. Nên làm cũi hay máng ăn cho hươu. Không thể quên được chất khoáng trong khẩu phần thức ăn hàng ngày của hươu, nhất là muối ăn. Một con hươu cần 15 – 20 g muối/ngày. Có thể hòa muối vào nước cho hươu uống hoặc vẩy vào lá, cỏ hay rắc ở thềm. Tối thiểu mỗi ngày cũng cho hươu ăn 3 bữa: Sáng 8 – 9 giờ; chiều 16 – 17 giờ; tối 21 – 22 giờ.

Mùa sinh sản

Tập trung vào các tháng 3, 4 và 5. Các biểu hiện động dục của hươu cũng giống như ở các con vật khác, bồn chồn không yên, cơ quan sinh dục bên ngoài xung huyết, có niêm dịch chảy ra. Thời gian động dục của hươu cái 1 – 3 ngày, trung bình 2 – 30 giờ. Khi hươu cái động dục thì cũng kích thích hươu đực động tình, nó có vẻ hung dữ hơn ăn ít hơn, luôn tìm cách gần hươu cái. Ðộng tác phối giống của hươu chỉ xảy ra trong vòng 20 – 30 giây. Không nên cho hươu phối ngay sau lần động dục đầu tiên bởi vì hươu cái tơ cơ thể còn yếu và chưa có kinh nghiệm nuôi con. Những người nuôi có kinh nghiệm và ở các trại giống thường cho hươu phối lúc 1,5 – 2 năm tuổi. Thời gian mang thai của hươu khoảng 220 – 225 ngày.

Chăm sóc hươu mang thai

Khi có thai, hươu mẹ cần tích lũy các chất dinh dưỡng để vừa nuôi sống bản thân vừa để nuôi bào thai. Thường hươu cái chửa trong thời gian 7 tháng 9 ngày. Có thể chia làm 2 giai đoạn để chăm sóc hươu có chửa. Từ tháng thứ 1 – 5, bào thai phát triển còn chậm, chưa đòi hỏi nhiều về nhu cầu lắm, nên có thể nuôi dưỡng, chăm sóc bình thường. Mang thai từ tháng thứ 6 đến khi đẻ thì lá, cỏ cần phải tươi ngon, nhiều loại để đủ sinh tố. Ðặc biệt trong những tháng cuối nên cho ăn những lá, củ, quả có tác dụng lợi sữa như lá ngọn, lá sung, lá đu đủ xanh. Trong giai đoạn một, có thể để hươu chửa sống chung với đàn cái. Nhưng sang giai đoạn hai, cần nhốt riêng.

Chuồng đẻ phải được quét dọn sạch sẽ, tiêu độc nền và xung quanh thành chuồng bằng Crêzil 5% hay nước vôi. Ở một góc phòng, rải một lớp rơm mềm hay cỏ khô để làm ổ. Cần giữ cho phòng đẻ ấm, thoáng, khô, kín đáo; nhất thiết phải có người theo dõi, nhưng không để cho hươu thấy. Hạn chế sự can thiệp của người khi hươu đẻ; chỉ can thiệp trong trường hợp đẻ khó (đẻ ngược, đẻ đôi…). Thông thường sau khi đẻ, hươu mẹ dùng răng cắn dây rốn cho hươu con. Chờ cho nhau ra hết, đưa hươu mẹ và hươu con sang một ngăn khác sạch sẽ hơn.

Chăm sóc hươu con

Sau khi đẻ được 6 giờ, nếu thấy hươu con chưa bú được, phải tìm mọi cách cho hươu con bú sữa đầu. Kinh nghiệm chăn nuôi hươu cho thấy, gần 80% hươu sơ sinh bị chết là do không được bú sữa mẹ đầy đủ, nhất là sữa đầu. Những ngày đầu tiên, hươu con nằm nhiều và thường nằm tách mẹ, đến bữa mới về bú. Sau 10 – 20 ngày hươu con bắt đầu tập ăn lá, cỏ. Hàng ngày cho hươu con vận động 2 lần sáng và chiều mỗi lần 30 phút.

Phạm Hải

Nguồn: tapchigiacam.vn


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *