Tin tức

Nuôi vịt ven rừng ngập mặn ở Nga Thủy

Với lợi thế về diện tích mặt nước, lại thêm nguồn thức ăn thuỷ sinh phong phú, nhiều hộ dân ở xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã thành công với mô hình chăn nuôi vịt.

Nga Thủy là một trong 3 xã triển khai dự án được tài trợ bởi Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới và được thực hiện bởi Trung tâm Tư vấn, quản lý tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu (Corenacca) Thanh Hoá trong 3 năm (2022 – 2024). Một trong những lĩnh vực quan trọng của dự án là giúp người dân cải thiện sinh kế thông qua các mô hình sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay. Theo đó, xã Nga Thủy lựa chọn thực hiện mô hình nuôi vịt để cải thiện sinh kế.

nuôi vịt rừng ngập mặn

Mô hình nuôi vịt đang mang lại thu nhập khá cho người dân xã Nga Thủy.

Từ năm 2022 – 2023, người dân trong xã được cấp tổng cộng 6.000 con vịt giống, có hộ đăng ký nuôi vịt lấy thịt, có hộ nuôi lấy trứng. Đến nay, các hộ nuôi vịt thịt đã có thể xuất bán với giá 50.000 đồng/kg, trứng bán với giá từ 2.500 – 3.000 đồng/quả. Hiệu quả từ mô hình đã giúp các hộ dân cải thiện cuộc sống.

Năm 2022, bà Mai Thị Nhạn, ở thôn Lê Lợi, xã Nga Thủy nhận 100 con vịt giống từ dự án. Được trao “cần câu”, cộng thêm được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, đàn vịt của gia đình bà đạt tỉ lệ sống 100%, sinh trưởng tốt. Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ nuôi vịt mang lại, bà mua thêm 100 con vịt giống khác để mở rộng mô hình. Đến nay, tổng đàn vịt của gia đình có hơn 230 con. Trung bình, mỗi ngày vịt đẻ khoảng 200 quả trứng. Sau khi trừ các chi phí đầu tư sản xuất, đàn vịt đem lại cho gia đình bà Nhạn mỗi tháng khoảng khoảng 4 triệu đồng.

nuôi vịt rừng ngập mặn

Áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi vịt, đến nay đàn vịt nuôi của gia đình ông Mai Xuân Toán, thôn Hoàng Long, xã Nga Thủy sinh trưởng tốt, ít dịch bệnh.

Cũng từ những con vịt giống đầu tiên được hỗ trợ từ dự án của Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới, gia đình ông Mai Xuân Toán, ở thôn Hoàng Long, xã Nga Thủy dần phát triển quy mô đàn vịt chuyên thịt thương phẩm, với thu nhập mỗi tháng gần 5 triệu đồng.

Ông Trần Trung Độ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nga Thủy cho biết: Từ khi dự án được triển khai tại xã, người nông dân rất phấn khởi, bởi không chỉ được cấp giống miễn phí lại còn được hỗ trợ về kỹ thuật nuôi. Nhiều gia đình còn mạnh dạn mua thêm con giống, mở rộng khu vực khoanh nuôi. Việc triển khai thực hiện mô hình đã làm thay đổi nhận thức của người dân từ nuôi vịt theo thói quen cũ chuyển sang áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị thương phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.

Trung Lê

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *