Văn bản - Chính sách

Phấn đấu đến năm 2023, chủ động sản xuất được nguồn giống vật nuôi chủ lực

(Thế Giới Gia Cầm) – Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030. Mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, giống vật nuôi đặc sản đáp ứng nhu cầu sản xuất chăn nuôi trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Mục tiêu của Đề án là xây dựng được ngân hàng giống quốc gia, chính sách hỗ trợ thúc đẩy tiến độ các dự án sản xuất giống mới có quy mô lớn; ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ sinh học và quản lý giống theo hình tháp trong sản xuất giống. Đồng thời nâng cấp, hiện đại hóa một số trung tâm giống hiện có và tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ trong ngành giống vật nuôi tạo động lực thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất giống vật nuôi.

Đề án Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030

Phấn đấu đến năm 2030, nước ta có thể chủ động được 80% nhu cầu giống gà. Ảnh: Lê Bình.

Cụ thể, đến năm 2030, nước ta có thể chủ động sản xuất được nguồn giống vật nuôi chủ lực cấp bố mẹ và con thương phẩm có năng suất, giảm nhập khẩu các giống vật nuôi chủ lực: đáp ứng tối thiểu 90% nhu cầu giống heo, 80% nhu cầu giống gà, 100% nhu cầu giống vịt, 70% nhu cầu giống bò thịt. Nhập khẩu các giống vật nuôi cấp cụ kỵ, ông bà, giống thuần có năng suất cao để làm tươi máu và cải tạo năng suất các giống vật nuôi hiện có.

Cùng với đó, tăng cường năng lực cho tối thiểu 6 cơ sở sản xuất giống vật nuôi quy mô công nghiệp; tổ chức chọn lọc, nhân giống và sản xuất giống đồng bộ theo hệ thống cấp giống; áp dụng phương pháp quản lý giống vật nuôi theo mô hình tháp giống gắn mã định danh quốc gia đối với các cơ sở nuôi giữ giống gốc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở khảo nghiệm, kiểm định chất lượng giống; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học và tiếp thu nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới để sản xuất giống và phát triển chăn nuôi.

Khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi bản địa theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả gắn với du lịch sinh thái; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các giống vật nuôi bản địa chất lượng cao, có lợi thế vùng miền.

Xây dựng cơ chế, chính sách để tạo động lực thúc đẩy việc xã hội hóa các hoạt động triển khai công nghiệp sản xuất giống vật nuôi. Tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ ở các địa phương.

Để hoàn thiện các mục tiêu này, Đề án đặt ra 6 nhiệm vụ và giải pháp, bao gồm: Ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, tiếp thu nhanh các tiến bộ mới để sản xuất và quản lý giống vật nuôi; Kiểm tra năng suất, khảo nghiệm, kiểm định chất lượng giống vật nuôi; Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi với quy mô lớn, đồng bộ; Khai thác, phát triển nguồn gen giống vật nuôi bản địa theo hướng hàng hóa, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu theo lợi thế vùng miền gắn với du lịch; Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ quan quản lý, cơ sở lưu giữ và nhân giống vật nuôi; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng giống vật nuôi. 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, bổ sung các chính sách có liên quan để làm căn cứ triển khai Đề án, trong đó ưu tiên cho việc xây dựng chính sách đầu tư, khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo và nhân giống vật nuôi cho các cơ sở sản xuất giống vật nuôi; tăng cường năng lực đánh giá, quản lý chất lượng giống cho các cơ quan quản lý chuyên ngành ở trung ương và địa phương…

Nội dung chi tiết Đề án Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030: XEM TẠI ĐÂY

Minh Khuê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *