Thị trường

Thách thức phía trước thị trường gia cầm

(Thế Giới Gia Cầm) – Những trở ngại liên quan đến chi phí sản xuất và dịch cúm gia cầm vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, triển vọng đến cuối năm nay được đánh giá tích cực đối với hầu các thị trường gia cầm chính.

Triển vọng cho thị trường gia cầm toàn cầu 2023 vẫn tích cực do nhu cầu tiêu thụ thịt gà duy trì ở mức tốt theo đà từ năm ngoái. Theo báo cáo cuối tháng 4/2023 của Rabobank, triển vọng tích cực không diễn ra đồng đều trên phạm vi toàn cầu.

Mỹ

Theo Rabobank, sản lượng thịt gia cầm trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng 1,5% so cùng kỳ, đạt 5,7 tỷ pound. Biên lợi nhuận của các hãng chăn nuôi tích hợp dưới mức hòa vốn, nhưng dự kiến cải thiện vào nửa cuối năm, một phần do nguồn cung thịt bò bị thu hẹp. Trong quý 1/2023, tốc độ sản xuất thịt gà chế biến sẵn chững lại, dù cao hơn 1,9% so cùng kỳ năm ngoái, đã giúp giải phóng tồn kho. Tuy nhiên, hàng tồn vẫn cao hơn 12% năm ngoái. Do giá bán thấp hơn, nhiều nhà bán lẻ tích cực xúc tiến thương mại gia cầm và chú trọng hơn đến kênh dịch vụ ẩm thực.

Brazil

Xuất khẩu thịt gà của Brazil lập kỷ lục về khối lượng và giá trị trong hai tháng đầu năm, đạt 781.000 tấn, tăng 13% so cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu thịt gà trong thời gian này tăng 26%, tương ứng 1,6 tỷ USD với hai thị trường chính Trung Quốc và Ả Rập. Nhu cầu nhập khẩu thịt gà Brazil vẫn duy trì mức cao, giúp hấp thụ sản phẩm dư thừa từ thị trường nội địa và cải thiện giá.

Thị trường gia cầm

Thị trường gia cầm dự báo chuyển biến tích cực nửa đầu cuối năm. Ảnh: ST

Trung Quốc

Giá gà lông trắng tại Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 2 do cầu tăng trở lại sau COVID-19, đặc biệt ở phân khúc dịch vụ ẩm thực. Giá thịt gà sống tăng 26% trong tháng này, trong khi giá gà giống (DOC) cũng tăng do nguồn cung thắt chặt. Giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao hơn năm ngoái nhưng đang có dấu hiệu hạ nhiệt, giúp cải thiện lợi nhuận của nông dân. Tuy nhiên, lợi nhuận của lò mổ và nhà chế biến thịt gia cầm vẫn bị thu hẹp. Giá gà cổng trại dự kiến tăng cao trong năm nay, nhưng thị trường vẫn chưa phục hồi về mức kỳ vọng.

Châu Âu

Thị trường gia cầm châu Âu vẫn sôi động mặc dù đầu năm khá ảm đạm với giá giảm trong tháng 1 và sản lượng giảm 4% so với 3 tháng cuối năm 2022. Nguồn cung gia cầm châu Âu đang hẹp hơn do dịch cúm AI và chi phí sản xuất tăng cao. Trong quý 4/2022, sản lượng gia cầm của Ba Lan – nước dẫn đầu về sản xuất gia cầm tại châu Âu đã tăng, nhưng ở Đức, Pháp và Hà Lan lại ghi nhận tình trạng sụt giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm. Nguồn cung nội địa thu hẹp làm nhu cầu nhập khẩu tăng 6% trong quý 4/2022.

Mexico

Sản lượng gia cầm trong tháng 1/2023 của Mexico tăng 10% so cùng kỳ, sau một năm đạt kỷ lục 3,8 triệu tấn. Trong quý đầu năm nay, giá thịt gà bán lẻ tại Mexico đã tăng 12% so cùng kỳ nhưng không đồng đều. Trong đó, giá thịt ức và đùi lần lượt tăng 20% và 27% còn giá gà nguyên con lại giảm 4%. Tăng trưởng sản xuất gia cầm ở Mexico dự kiến ở mức vừa phải và tiến tới cân bằng cung cầu mặc dù nhập khẩu trong tháng 1/2023 tăng vọt 28%. Thời gian tới, Mexico sẽ hạn chế xuất khẩu gia cầm để tập trung phục vụ thị trường nội địa

Thái Lan

Theo Rabobank, triển vọng ngành gia cầm Thái Lan năm nay thiếu chắc chắn mặc dù tiến triển tích cực vào năm ngoái. Các hãng sản xuất gia cầm trong nước đã chớp cơ hội khi sản lượng thịt heo giảm 35% do dịch tả heo châu Phi và lệnh cấm nhập khẩu thịt heo. Tuy nhiên đến nay ngành thịt heo đang phục hồi, gia tăng cạnh tranh với thịt gia cầm tại thị trường nội địa. Nguồn cung gà con DOC vẫn khan hiếm tại Thái Lan dù đang được cải thiện. Tổng khối lượng gia cầm xuất khẩu năm ngoái đạt kỷ lục 1,1 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2021. Xuất khẩu thịt chế biến tăng mạnh 18% lên 650.000 tấn. Dự kiến khối lượng xuất khẩu thịt heo của Thái Lan vẫn tăng mạnh nhưng giá thấp hơn năm ngoái trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao.n

Nhật Bản

Rabobank nhận định triển vọng thị trường gia cầm Nhật Bản vẫn thuận lợi. Sự bùng phát dịch cúm AI khiến giá thịt gà duy trì ở mức cao. Tuy nhiên điều này có thể khiến người tiêu dùng chuyển sang thịt heo. Thịt là gà là thực phẩm phổ biến ở Nhật Bản với lượng tiêu thụ tăng đều trong hai năm 2021 và 2022 sau khi giảm vào hai năm trước đó.

Tiêu thụ thịt heo giảm vào năm ngoái nhưng dự kiến phục hồi trong năm 2023. Sản lượng thịt gà của Nhật Bản đạt mức cao trong quý 4/2022 dù vẫn thấp hơn cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, nhập khẩu thịt gà vào Nhật Bản lại giảm trong thời gian này. Trữ lượng thịt heo của Nhật Bản tương đối cao, cộng với hàng nhập khẩu sẵn có đã làm tăng cạnh tranh với thịt gà.

Tuấn Minh

Theo Rabobank

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *