Tin tức

Thiệt hại về dịch bệnh là bài học cho ngành chăn nuôi

(Thế Giới Gia Cầm) – Ngày 3/11/2023, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị “Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đồng chủ trì Hội nghị.

Chủ động kiểm soát dịch bệnh

Báo cáo tại Hội nghị, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết: Trong 10 tháng đầu năm 2023, về cơ bản các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) có số ổ dịch giảm 60% và số heo bị chết, tiêu hủy giảm 68%; Bệnh cúm gia cầm (CGC) có số ổ dịch giảm 54% và số gia cầm bị chết, tiêu hủy giảm 63%; Bệnh viêm da nổi cục (VDNC) có số ổ dịch giảm 60%, số trâu, bò mắc bệnh giảm 80%; số con bị chết, tiêu hủy giảm 79%. Đến nay, cả nước có 4.037 cơ sở, vùng được chứng nhận an toàn dịch bệnh (ATDB) tại 57 tỉnh, thành phố (trong đó, có 1 vùng ATDB cấp tỉnh, 39 vùng ATDB cấp huyện, 180 vùng ATDB cấp xã và 1.991 cơ sở ATDB).

Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024

Rất đông đại biểu đại diện các Bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp tham gia Hội nghị.

Mặc dù kết quả phòng chống dịch bệnh trên cả nước có nhiều điểm đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn như việc chấp hành các quy định của pháp luật về thú y của một số tổ chức, cá nhân còn chưa cao, chưa tuân thủ nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin. Các dịch bệnh động vật truyền lây sang người đang có nhiều diễn biến phức tạp; nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra trên đàn vật nuôi và lây sang người là rất cao. Ông Minh cho rằng: Để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn của địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. 

Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, trong 10 tháng qua, đàn vật nuôi phát triển ổn định, tăng trưởng từ 2 – 4% so với năm ngoái. Thời gian gần đây, nền kinh tế được phục hồi, sức tiêu thụ thịt, trứng, sữa đã tăng trở lại và dự báo tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm, riêng dịp Tết nhu cầu có thể tăng từ 10 – 15%. 

Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Bên cạnh các ý kiến tham luận, các kiến nghị về công tác phòng chống dịch bệnh từ nay đến cuối năm, Hội nghị cũng được nghe một số tham luận liên quan đến kết quả triển khai tiêm phòng vắc xin ASF.

Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn, cho biết từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 76 ổ dịch ASF, buộc tiêu hủy 2.311 con heo. Cũng theo bà Thu, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm phòng, phấn đấu tiêm phòng 80% số lượng gia súc, gia cầm. 

Theo ông Phan Xuân Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bến Tre, kiến nghị thời gian tới Bộ NN&PTNT và Cục Thú y thực hiện chương trình quốc gia phòng chống dịch ASF, nghiên cứu mở rộng vắc xin để có thể tiêm trên tất cả đàn heo chứ không phải diện hẹp như hiện tại. 

Về việc tiêm phòng vắc xin ASF, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, đề nghị các địa phương cần quan tâm kiểm soát tốt dịch bệnh, có kế hoạch dùng vắc xin trên diện rộng, tiêm phòng bổ sung. Vắc xin ASF do Việt Nam nghiên cứu sản xuất rất an toàn, hiệu quả, đã được triển khai theo tiêu chuẩn quốc tế, thậm chí được nghiên cứu đánh giá qua nhiều cấp bậc với sự hỗ trợ tích cực từ các chuyên gia trong nước và quốc tế. Theo ông Long, bên cạnh việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, để chủ động phòng dịch bệnh, các địa phương có nhiều doanh nghiệp chăn nuôi cần tiên phong xây dựng vùng ATDB. 

Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh “các địa phương cần đẩy mạnh công tác phòng dịch bệnh trên đàn vật nuôi”.

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Nếu không làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh thì chăn nuôi không thể có tốc độ tăng trưởng tốt. Thú y đóng góp rất quan trọng trong lĩnh vực chăn nuôi, do vậy công tác này nhất định không thể lơ là, hời hợt. Vắc xin, hóa chất vật tư phòng bệnh Việt Nam không thiếu, điều quan trọng là phải có chiến lược, kế hoạch, tầm nhìn cùng với người dân và cơ sở thực hiện. Thiệt hại về một số dịch bệnh đã xảy ra trong quá khứ là bài học cần thiết để mỗi địa phương chủ động nâng cao công tác phòng bệnh, đảm bảo tình hình sản xuất chăn nuôi trong thời gian tới thực sự hiệu quả. 

Thùy Khánh

(Bài và ảnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *