Chưa phân loại

Một số biện pháp nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi dê bán thâm canh

Dê thuộc loại động vật hiền lành, dễ nuôi, có khả năng tận dụng được nhiều loại thức ăn, các loại lá cây đắng chát như lá xoan, lá xà cừ, lá điền thanh, lá cây keo tai tượng,… mà trâu bò không ăn nhưng dê có thể sử dụng được, bên cạnh đó nuôi dê  đầu tư vốn thấp, quay vòng vốn nhanh, vì vậy nuôi dê là cơ hội cho một số hộ thoát nghèo vươn lên khá giả.

Tùy điều kiện chăn nuôi mà bà con lựa chọn phương pháp chăn nuôi cho phù hợp, có thể nuôi quảng canh, bán thâm canh hoặc thâm canh.

  1. Phương thức nuôi quảng canh là dê chủ yếu được chăn thả và nguồn thức ăn thô xanh dựa vào tự nhiên là chính, chuồng trại xây dựng đơn giản.
  2. Phương thức nuôi bán thâm canh thì dê vừa được chăn thả theo buổi trong ngày vừa được nhốt tại chuồng để bổ sung thêm thức ăn cho dê.
  3. Phương thức chăn nuôi thâm canh thì đàn dê chủ yếu được nuôi nhốt trong chuồng và người chăn nuôi chủ động cung cấp thức ăn cho dê.

Hiện nay một số vùng diện tích chăn thả tự nhiên ngày càng hạn chế, do vậy nguồn thức ăn thô xanh ngày càng hiếm không đủ nhu cầu cho dê ăn nên việc mở rộng quy mô còn khó khăn và năng suất chăn nuôi còn thấp nhất là phương thức chăn nuôi quảng canh, vì vậy hiện nay nhiều bà con lựa chọn phương thức chăn nuôi bán thâm canh đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao.

Để phương thức chăn nuôi dê bán thâm canh đạt hiệu quả cao bà con cần lưu ý một số vấn đề như sau:

  1. Về chuồng trại

Nên làm chuồng ở nơi có địa thế cao ráo, dễ thoát nước, đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Chuồng có mái che để tránh mưa tạt, gió lùa và nắng chiếu trực tiếp vào dê.

Dê là loài động vật ưa sạch sẽ khi nuôi dê cần nuôi trên sàn, nền sàn phải bằng phẳng, cách mặt đất tối thiểu 50 – 80 cm tùy theo địa bàn của từng khu vực chăn nuôi, được ghép bằng các thanh gỗ, hoặc nan tre tạo thành các khe hở 1 – 1,5cm, đủ để phân dê dễ lọt xuống dưới nhưng không lọt chân dê. Trước mỗi cửa chuồng nên làm bậc cầu thang cho dê lên xuống dễ dàng, nhất là dê con.

Máng thức ăn thô xanh nên gắn phía bên ngoài thành, dọc theo mặt tiền chuồng nuôi, gắn ở độ cao ngang tầm với vai cuả dê và có lỗ để dê dễ dàng thò đầu ra lấy thức ăn.

Còn máng thức ăn tinh nên bố trí ở trong thành chuồng, treo ở độ cao cách sàn 50 – 60 cm và thuận tiện cho việc đổ thức ăn và công tác vệ sinh máng.

Nền chuồng nên làm có độ dốc 3-5% và láng xi măng, có hố thu gom phân và nước tiểu.

Trong phương thức chăn nuôi dê bán thâm canh thì trước dãy chuồng nuôi nên có khu vực sân chơi cho dê, đảm bảo diện tích tối thiểu 1,5 m2/con nhằm quản lý phối giống và chăm sóc đàn dê được tốt hơn.

Sân chơi: Là bãi cỏ hoặc nền đất khép kín thông với cửa chuồng dê ra vào. Khu vực sân chơi phải quang đãng, thoáng mát, có bóng dâm và dễ quét dọn, không đọng nước trong sân có máng nước uống và máng thức ăn bổ sung ổn định, kích thước máng để ở ngoài sân chơi có độ cao từ 40-50 cm để tránh dê nhẫm, lội vào máng.

  1. Về chăm sóc nuôi dưỡng

Dê là loài gia súc nhai lại nên khẩu phần chính vẫn là thức ăn thô xanh và một phần là thức ăn tinh, bổ sung thức ăn khoáng sao cho đầy đủ, cân đối chất dinh dưỡng và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của dê.

Cần cung cấp thức ăn thô xanh đầy đủ cho dê, thông thường khẩu phần ăn cho dê 1 ngày từ 4 – 5 kg TA thô xanh và 0,2 – 0,4 kg thức ăn tinh (ngô, bột ngô, cám gạo, sắn …) nếu có điều kiện nên cho dê ăn tự do, lấy lá treo tại chuồng nuôi để dê ăn thêm khi đi chăn thả dê về chuồng .

Thức ăn, ước uống, đảm bảo sạch sẽ, nên bổ xung muối ăn vào nước cho dê uống trước và sau khi chăn thả để hạn chế dê uống nước từ các nguồn nước bị ô nhiễm.

Bổ sung khoáng, vitamin dưới dạng tảng đá liếm treo ở trong chuồng cho dê tự liếm.

Ngoài ra không chăn thả dê khi trời mưa. Thức ăn thô xanh khi cắt về cho dê ăn cần để cho ráo nước, lá phải xe lại, không còn dính nước mưa, bùn đất mới cho dê ăn. Nếu cho dê ăn thức ăn ướt, bẩn không những dê con mà cả dê trưởng thành cũng bị tiêu chảy.

Trong mùa mưa ưu tiên các loại thức ăn thô xanh có vị chát như: lá mít, sung, ổi ,…để phòng tiêu chảy cho dê.

Thường xuyên kiểm tra và cắt móng chân dê để dê đi lại dễ dàng và tránh các bệnh liên quan về chân móng.

Những thức ăn giàu chất bột đường nên hạn chế sử dụng trong khẩu phần của dê đực, tránh cho dê đực giống quá béo sẽ ảnh hưởng đến khả năng phối giống của dê.

  1. Công tác quản lý dê đực giống

Hiện nay, trong thực tế còn nhiều hộ sử dụng 1 – 2 con dê đực giống trong một đàn, thời gian sử dụng lâu (3 – 4 năm) khiến đàn dê con sinh ra bị thoái hóa, còi cọc, chậm phát triển, sức đề kháng bệnh kém. Do đó công tác quản lý đực giống trong đàn rất quan trọng. Tuyệt đối không cho dê đực giống phối với dê cái có quan hệ cận huyết, làm như vậy sẽ dẫn đến tình trạng thoái hóa giống nghiêm trọng.

Nên thay đổi dê đực giống 1 năm 1 lần hoặc xác định bằng cách khi con cái đầu lòng của dê đực đó đến tuổi phối giống đầu tiên thì cần đảo đực giống.

Hiện nay một số hộ đang sử dụng phương pháp rất đơn giản mà hiệu quả là đảo dê đực giống theo nhóm các hộ gia đình, tức là mượn đực giống lẫn nhau giữa các hộ có các đàn dê khác nhau, và có sổ ghi chép, theo dõi quá trình phối giống cẩn thận. Do đó sẽ tránh được hiện tượng cận huyết trong đàn.

  1. Công tác vệ sinh thú y phòng bệnh

Luôn giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, định kỳ 1 tháng tiêu độc sát trùng chuồng trại một lần bằng các hóa chất như vôi bột, Iodin, Vikol,…để tiêu diệt và hạn chế mầm bệnh lây nhiễm sang vật nuôi.

Định kỳ kiểm tra và tẩy giun sán cho dê (ít nhất năm 2 lần).

Chủ động tiêm vacxin để phòng một số bệnh truyền nhiễm hay mắc trên đàn dê như Tụ huyết trùng, viêm ruột hoại tử, lở mồm long móng và bệnh đậu dê.

LỊCH TIÊM PHÒNG VACXIN CHO DÊ

Số 

TT

Tên Vacxin Thời gian tiêm Liều lượng Cách tiêm Đối tượng dê 

không tiêm

Lần 1 Lần 2
1 Lở mồm long móng (FMD) Tháng 3 Tháng 9 1ml/con Tiêm dưới da, tiêm bắp -Dê dưới 2 tháng tuổi. 

– Dê chửa kỳ đầu và kỳ cuối

2 Viêm ruột hoại tử Tháng 3 Tháng 9 1ml/con Tiêm dưới da – Dê dưới 2 tháng tuổi.
3 Tụ huyết trùng Tháng 3 Tháng 9 1ml/con Tiêm dưới da – Dê dưới 2 tháng tuổi.
4 Vacxin đậu dê 

(bảo quản lạnh)

Tháng 

2 – 4

Tháng 8 – 10 1ml/con Tiêm dưới da – Dê dưới 1 tháng tuổi. 

– Dê mang thai

Dê có khả năng tự chịu đựng và dấu bệnh rất khéo, ít khi thể hiện ra bên ngoài, vẫn đi theo đàn và chỉ đến khi bệnh quá nặng mới thể hiện ra rõ rệt, nhưng khi đó đã muộn và rất khó khăn trong điều trị bệnh. Vì vậy hàng ngày khi thả dê bà con cần quan sát toàn đàn và quan sát từng con, phát hiện những con có biểu hiện bất thường (ăn kém, đi chậm chạp, vừa đi vừa nằm,..), nhốt cách ly để quản lý, theo dõi, chữa trị, khống chế kịp thời dịch bệnh trong đàn.

Nguyễn Sỹ Tạo

Nguồn: TTKN


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *