Hoạt động VIPA

Quyết liệt ngăn chặn nhập lậu gia cầm vào Việt Nam

(Thế Giới Gia Cầm) – Thời gian vừa qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đăng tải loạt bài về tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc đang diễn ra ở Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang… Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) Nguyễn Thanh Sơn đánh giá: Ðây chỉ là một phần nổi trong tảng băng chìm về hoạt động buôn lậu gia súc, gia cầm đang diễn ra phức tạp từ trước tới nay.

Diễn biến phức tạp

Ngành chăn nuôi hiện nay có đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam cả về giá trị sản xuất và tạo sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân. Tuy nhiên, hiện nay ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ. Trong đó phải kể đến tình trạng nhập siêu thịt gà, thịt bò, đặc biệt là vấn nạn nhập lậu sản phẩm chăn nuôi giá rẻ vẫn diễn biến phức tạp, khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước vốn đã khó khăn nay lại càng lao đao hơn.

Việc nhập lậu giống gia súc, gia cầm không được ngăn chặn đã gây hậu quả nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi, đặc biệt các cơ sở sản xuất giống gia cầm phải chịu thua lỗ nặng, do không tiêu thụ được con giống, nhiều doanh nghiệp và trang trại buộc phải giảm đàn hoặc treo chuồng.

Thời gian vừa qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đăng tải loạt bài về tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) Nguyễn Thanh Sơn đánh giá: Thông tin từ các bài điều tra đó đã phản ánh một phần nổi trong tảng băng chìm về hoạt động buôn lậu gia súc, gia cầm đang diễn ra phức tạp hiện nay, đồng thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc.

gà giống nhập lậu

Ngành chức năng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ gà giống nhập lậu. Ảnh: Minh Sơn

Theo Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn, tình trạng nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm vào nước ta đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi. Đây là một trong các nguyên nhân phá vỡ thị trường chăn nuôi trong nước, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Mặt khác, còn gây hậu quả lâu dài cho người chăn nuôi. Các giống gà, vịt nhập lậu không rõ nguồn gốc là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xâm nhập các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác từ nước ngoài vào Việt Nam. Do chất lượng con giống nhập lậu không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch, không được tiêm phòng vaccine, lại nhiễm sẵn nhiều mầm bệnh, khiến tỷ lệ chết rất cao. Rất nhiều con giống nhập về nuôi sau 1 – 3 tháng thì mắc bệnh và chết, khiến nông dân thua lỗ nặng nề, làm giảm sức sản xuất.

Mới đây, một số trường hợp vận chuyển giống gia cầm nhập lậu đã được lực lượng chức năng tại Quảng Ninh, Lạng Sơn bắt giữ, nhưng chỉ là khối lượng rất nhỏ so với số lượng lớn gia cầm giống, sản phẩm gia cầm nhập lậu hàng năm và chưa thực sự phản ánh đúng bản chất, phạm vi, quy mô của các đường dây lớn buôn lậu gia súc gia cầm đã và đang diễn ra suốt thời gian dài tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh giáp biên.

Ngành chức năng vào cuộc

Thực trạng nhập lậu gia cầm thời gian qua cũng đã được các cơ quan chức năng quan tâm và chỉ đạo.

Cụ thể, ngày 26/2/2023, Bộ NN&PTNT đã phát Công điện khẩn số 1030/CĐ-BNN-TY về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp ký Công điện số 426/CĐ-TTg về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Ngày 13/9/2023, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến ký công văn số 6431/BNN-TY gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tiếp tục ngăn chặn, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Ngày 18/9/2023, Bộ NN&PTNTđã có công điện khẩn số 6699/BNN-TY gửi Bộ Công an về việc phối hợp chỉ đạo tăng cường kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.

Mặc dù có sự vào cuộc kip thời và quyết liệt của các cơ quan chức năng, tuy nhiên, đến nay tình trạng nhập lậu gia cầm giống vẫn diễn ra hết sức phức tạp. “Dường như, có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong “cuộc chiến” với gia cầm giống và sản phẩm gia cầm nhập lậu tại các tỉnh, thành phía Bắc, phía Nam và một số địa phương, theo như báo chí phản ánh có hiện tượng tiếp tay của một số cơ quan kiểm dịch cho giới buôn lậu” – Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn nhận định.

Giải pháp ngăn chặn tình trạng buôn lậu gia cầm

Theo Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn, công tác phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm là một “cuộc chiến” lâu dài và cần tiến hành thường xuyên liên tục, chứ không thể tổ chức theo “chiến dịch”. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng buôn lậu giống gia cầm, sản phẩm gia cầm cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ.

Trước hết là trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở các địa phương, mà trực tiếp là Ban chỉ đạo 389 cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông để kịp thời phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam.

Các cơ quan chức năng cần lập chuyên án điều tra các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới mà Báo Nông nghiệp đã phản ánh, từ đó có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân về tác hại khi buôn bán, vận chuyển sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Là một hiệp hội ngành hàng lớn, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam sẽ tích cực chủ động cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan truyền thông tiếp tục góp phần đấu tranh chống buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm. Tuyên truyền, vận động các hội viên trong Hiệp hội không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, gia cầm nhập lậu.

VIPA sẽ tiếp tục đại diện tiếng nói của doanh nghiệp, người nông dân kịp thời phản ánh những khó khăn và kiến nghị lên Chính phủ, các cơ quan bộ ngành một số giải pháp cấp bách cũng như lâu dài nhằm nâng cao sức cạnh tranh của ngành gia cầm trong nước.

>> Theo dự báo của VIPA, giai đoạn 2024 – 2030, nhập khẩu giống gia cầm hàng năm sẽ ở mức 3 – 3,5 triệu con/năm. Hiện nay, trong số 3,4 – 3,8 triệu con giống gia cầm nhập khẩu về hàng năm, có đến 1,5 – 2 triệu con giống nhập lậu, chủ yếu là các giống gà lông màu thả vườn, vịt, ngan, ngỗng… 

Phương Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *