Hoạt động VIPA

VIPA: Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2023

Sáng 24/3/2022, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2023. Tham dự Hội nghị có 65 đại biểu đến từ Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi, Ban Chấp hành và các hội viên tập thể, cá nhân VIPA, các cơ quan truyền thông.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn cho biết, các đại biểu tụ họp ngày hôm nay để nhìn lại một năm gian khó mà các doanh nghiệp phải gồng mình vượt qua. Đồng thời đây cũng là cơ hội gặp gỡ, giao lưu, động viên doanh nghiệp, cũng như tiếp thêm năng lượng cho chặng đường tiếp theo. Năm 2022, ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi gia cầm nói riêng chịu tác động lớn của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do hậu quả từ đại dịch COVID-19 và do xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraina khiến giá nguyên liệu, chi phí logistic tăng cao. Các yếu tố đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản của các doanh nghiệp, trong đó có sản phẩm chăn nuôi gia cầm. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng của các thành viên, cùng với sự đồng hành của VIPA, phần lớn các doanh nghiệp, đơn vị của Hiệp hội ta đã vượt qua được khó khăn, từng bước ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng của toàn ngành chăn nuôi.

VIPA tổng kết 2022

Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị

Theo Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn, năm 2022, thị trường tiêu thụ sản phẩm gia cầm gặp rất nhiều khó khăn và biến động lớn. Tuy vậy, VIPA vẫn là hiệp hội ngành hàng đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp nước ta. Ước tính, tổng số gà giống 1 ngày tuổi mà VIPA đã sản xuất trong năm 2022 là khoảng 250 triệu con, trong đó gà giống lông màu khoảng 150 triệu con (Công ty Minh Dư khoảng 50 – 55 triệu con, Công ty Dabaco 45 – 50 triệu con; gà giống lông trắng 1 ngày tuổi khoảng 100 triệu con. Trứng gà thương phẩm hơn 3 tỷ quả. Có thể nói các doanh nghiệp như: Công ty Minh Dư, Dabaco, C.P. Việt Nam, Belga… vẫn là những nhà sản xuất hàng đầu về gà lông màu và gà lông trắng của cả nước. Về sản xuất giống thủy cầm thì Công ty Grimau vẫn là một trong các doanh nghiệp dẫn đầu.

Tuy nhiên, do nhiều tháng trong năm 2022, giá con giống và gia cầm thịt luôn đứng ở mức thấp, nên lợi nhuận của các doanh nghiệp thu được không cao, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ.

Về lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi gia cầm, một số hội viên của VIPA vẫn duy trì sản lượng TĂCN công nghiệp và doanh số cao như Công ty CP Việt Nam, Công ty Dabaco, Công ty Mavin, Công ty Việt Tín. Ước tính sản lượng thức ăn chăn nuôi cho gia cầm do các doanh nghiệp của VIPA sản xuất năm 2022 là khoảng 7 triệu tấn.

Về lĩnh vực sản xuất thuốc thú y, mặc dù trong năm qua, thị trường chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, nhưng một số doanh nghiệp hội viên hoạt động trong lĩnh vực này vẫn duy trì sản xuất và thương mại ổn định, phục vụ tốt các doanh nghiệp chăn nuôi trong và ngoài hiệp hội. Điển hình trong số này là Công ty Viphavet, Công ty Thú y xanh, Công ty VMC Việt Nam, Công ty Thú y toàn Thắng, Công ty thuốc Thú y Nam Lâm… Các sản phẩm thuốc thú y và vắc xin do các doanh nghiệp nêu trên sản xuất đã dần chiếm lĩnh được thị trường trong nước và được các hội viên của VIPA tin dùng. Nhiều mặt hàng chiếm thị phần lớn như vắc xin Marek đạt tỷ lệ 60 – 65% thị phần cả nước.

Về lĩnh vực chế biến sản phẩm gia cầm, các doanh nghiệp như Công ty CP Việt Nam, Công ty San Hà, Công ty Lượng Huệ, Công ty Vietfarm, Công ty Ba Huân, Tập đoàn Mavin, vẫn nỗ lực duy trì sản xuất và cung cấp cho thị trường các sản phẩm thịt, trứng gia cầm sạch có chất lượng tốt. Công ty San Hà vẫn là doanh nghiệp nội tiên phong trong hoạt động theo chuỗi giá trị từ chăn nuôi, chế biến tiêu thụ sản phẩm gia cầm.

Trong năm 2023, VIPA sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: Kiện toàn bộ máy tổ chức; Đẩy mạnh hoạt động giao thương nội khối và xúc tiến thương mại; Phản biện xã hội và bảo vệ quyền lợi của hội viên… Các công tác khác như đào tạo tập huấn, tổ chức hội thảo, hợp tác quốc tế… cũng được chú trọng.

Chủ tịch VIPA cũng nhấn mạnh, năm 2023, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hiệp hội ngành hàng, ngoài sự nỗ lực hơn nữa của bản thân các Hiệp hội, VIPA đã kiến nghị Bộ ngành: Đề nghị các Bộ ngành cần tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật và công tác quản lý nhà nước đối với hội, hiệp hội; Trong khi chưa có Luật về Hội, đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu ban hành Quy chế làm việc giữa Bộ NN&PTNT với các Hiệp hội ngành hàng.

Kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn thay mặt cho VIPA ghi nhận những ý kiến phát biểu cũng như các báo cáo được trình bày. Đây là những nội dung, ý kiến tâm huyết, khách quan của các đại biểu đối với Hiệp hội. Những vấn đề được đặt ra tại Hội nghị là những vấn đề lớn, quan trọng về đổi mới hoạt động giao thương nội khối, làm thế nào để hiệu quả hơn để giao thương nội khối trở thành thương hiệu của VIPA, xây dựng và đẩy mạnh hoạt động maketting… Hội nghị cũng đã thống nhất cơ bản kế hoạch hoạt động năm 2023 và chuẩn bị cho kỷ niệm 20 thành lập Hiệp hội chăn nuôi Gia cầm Việt Nam và tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2024 – 2029…

Nằm trong khuôn khổ Hội nghị, VIPA tổ chức lễ gắn biển thành viên cho Công ty Giống gia cầm Minh Dư – một doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất giống gà cả nước.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

VIPA tổng kết 2022

VIPA tổng kết 2022

VIPA tổng kết 2022

VIPA tổng kết 2022

Ngọc Ánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *