Thị trường

Yến sào: “Mỏ vàng trắng” đang chờ khai thác

(Thế Giới Gia Cầm) – Năng lực sản xuất yến sào của Việt Nam không thua các quốc gia trong khu vực, yến sào Việt Nam được đánh giá cao tại thị trường Trung Quốc.

Thêm ngành hàng xuất khẩu tỷ đô

Cả nước hiện có 42/63 tỉnh, thành phát triển nghề nuôi chim yến với gần 24.000 nhà nuôi yến, tăng gấp 3 lần so với thời điểm cách nay 5 năm. Trong đó, các tỉnh phía Bắc nuôi ít (chỉ chiếm 0,85%) do khí hậu lạnh về mùa đông không phù hợp nuôi chim yến. Nghề nuôi chim yến chủ yếu phát triển mạnh tại vùng ĐBSCL. 

Theo ông Đỗ Hữu Phương, Cục Chăn nuôi: Nếu không tính tiêu dùng nội địa, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 100 tấn yến sào, thu về 200 – 300 triệu USD/năm. Đây thực sự là một nghề quan trọng và có hiệu quả kinh tế cao trong ngành chăn nuôi. “Trước đây, sản phẩm yến sào Việt Nam chủ yếu xuất thô và tiểu ngạch nên giá trị kinh tế chưa cao. Việc mua, bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định, đầu tư vào khâu chế biến sâu còn hạn chế, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị thấp”, ông Phương đánh giá.

chế biến yến sào

Chế biến yến sào phục vụ xuất khẩu.

Ông Vũ Cường, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, cho biết: Năng lực sản xuất yến sào của Việt Nam không thua các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, do nghề nuôi, chế biến yến sào tại Việt Nam chưa được tổ chức sản xuất theo chuỗi, sản phẩm còn đơn điệu chủ yếu là xuất khẩu dưới dạng thô, chưa qua chế biến, chưa có thương hiệu nên giá trị rất thấp.

Để yến Việt bay xa

Nghề nuôi chim yến ở nước ta thời gian qua chủ yếu là tự phát. Việc nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ yến chưa hình thành chuỗi giá trị để nâng cao giá trị. Nhiều cơ sở nuôi chưa thực hiện đăng ký để được cấp mã số, không đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Việc phát triển nhà nuôi yến ồ ạt cũng làm mất cân đối so với tổng đàn, dẫn đến nhiều nhà yến có số lượng yến về làm tổ giảm, kém hiệu quả. 

Ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang thông tin, đến nay số lượng nhà yến trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đứng thứ 3 trong cả nước. Tuy nhiên, tỉnh cũng đang gặp phải khó khăn như các địa phương khác trong phát triển nghề nuôi chim yến. Cụ thể là các nhà nuôi chim yến chưa được công nhận tài sản gắn liền với đất nên các nông hộ đầu tư không được xem xét cấp tín dụng. Mặt khác, do chưa có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong xây dựng và vận hành nhà nuôi chim yến nên các cơ quan chức năng tại địa phương cũng gặp khó trong công tác quản lý. 

Việc quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm tổ yến còn nhiều bất cập, chưa phát huy được chuỗi liên kết chế biến tiêu thụ sản phẩm yến sào. Bên cạnh đó chưa có quy định về xử phạt đối với việc xây dựng mới nhà nuôi chim yến tại khu vực không thuộc vùng nuôi chim yến; chưa có hướng dẫn về đăng ký mã số nhà nuôi chim yến… Đó là các khó khăn hiện nay trong phát triển nghề nuôi chim yến.

tổ yến

Việt Nam có điều kiện thời tiết, khí hậu thích hợp phát triển nghề nuôi chim yến lấy tổ.

Cùng đó, đại diện Sở NN&PTNT An Giang cũng cho biết, để ngành này phát triển bền vững, thì cần quy hoạch vùng nuôi, xúc tiến mời gọi nhà đầu tư có năng lực xây dựng cơ sở nuôi, chế biến, xuất khẩu theo quy trình khép kín. 

Ông Tiền Ngọc Tiên, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VII (Cục Thú y), cho biết: Đây là một nghề không phải đầu tư mua con giống, không tốn thức ăn hằng ngày… nhưng lợi nhuận lại khá cao cần được khuyến khích phát triển. 

Theo ông Tiền Ngọc Tiên, để phát triển nghề nuôi yến bền vững, có 3 điều kiện cần, đó là: Tổ chức sản xuất và quản lý yến theo chuỗi giá trị, phải gắn mã định danh và thực hiện truy xuất nguồn gốc và phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi yến, sản phẩm tổ yến. 

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị yến sào, cần thiết phải xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm tổ yến, cam kết về đảm bảo chất lượng của người nuôi và doanh nghiệp chế biến. Song song đó, ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng cần triển khai các biện pháp hỗ trợ phát triển vùng nuôi, hướng dẫn người nuôi và doanh nghiệp các quy định để xuất khẩu chính ngạch, cùng với đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Chim yến được chính thức công nhận là động vật trong chăn nuôi tại Luật Chăn nuôi năm 2018. Với giá trị kinh tế cao, yến sào được ví như là “vàng trắng”. Việt Nam được đánh giá có điều kiện thời tiết, khí hậu thích hợp phát triển nghề nuôi chim yến lấy tổ. 

Gia Phú

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *